Sự khác nhau giữa Listening IELTS và Listening giao tiếp thực tế

0
315

Gần đây, một bạn học sinh cũ của thầy thắc mắc rằng bạn ấy đã thi IELTS được điểm số khá cao, band điểm 7.5 overall, còn riêng kỹ năng Listening là 8.5, nhưng khi tiếp xúc với các bạn nước ngoài thì nghe vẫn khó bắt nhịp, có một số từ không hiểu. Vậy, tại sao lại có chuyện này, chẳng lẽ điểm số không phản ánh đúng năng lực của bạn ấy?

Sự khác nhau IELTS Listening và Nghe giao tiếp

Đầu tiên, chúng ta cần xác định rõ ràng rằng việc luyện nghe chỉ để phục vụ cho bài thi IELTS và việc rèn luyện nghe tiếng Anh nhằm mục đích giao tiếp thực tế là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Hai vấn đề này có mục đích khác nhau, cách làm khác nhau, và những thuận lợi và khó khăn cũng từng vấn đề cũng hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể, so với giao tiếp thực tế trong cuộc sống thì Listening để phục vụ bài thi có những thuận lợi như sau:

– Chỉ cần nắm vững hệ thống từ vựng và những chủ đề thường gặp trong bài thi. Mặc dù lượng từ vựng và chủ đề này không hề nhỏ, nhưng nếu so với toàn bộ các chủ đề vô cùng vô tận trong cuộc sống này, thì ngần đó vẫn chỉ là giọt nước giữa biển mà thôi. Làm gì có bài IELTS nào dạy các em tên các loại rau được bán ở siêu thị hay cách gọi những phần thịt khác nhau trên cơ thể con bò đúng không?

– Chỉ cần nắm vững các dạng câu hỏi và cách xử lý từng dạng câu hỏi trước, trong và sau khi nghe. Điểm thứ hai này thuộc về kỹ năng, mà mọi kỹ năng trên đời đều tuân theo nguyên tắc làm nhiều thì thành quen. Ngược lại, các tình huống giao tiếp thực tế thì gần như không bao giờ có thể lường trước.

Ngược lại, so với việc nghe trong giao tiếp thực tế, kỹ năng Listening phục vụ bài thi có các khó khăn sau đây:

– Thí sinh hoàn toàn không có cơ hội thứ hai. Bài thi đòi hỏi khả năng tập trung cao độ và xử lý tình huống ngay tức thì. Nếu để lỡ dù chỉ là một khoảnh khắc, thông tin đó gần như sẽ không bao giờ được lặp lại. Trong giao tiếp xã hội bình thường, người nghe hoàn toàn có thể hỏi lại để người nói giải thích rõ ràng hơn hoặc nhắc lại những thông tin quan trọng.

– Trong bài thi có những cái bẫy mà người ra đề cố tình bày ra để lừa thí sinh, còn trong thực tế gần như sẽ chẳng ai cố tình paraphrase khó lên để gây khó dễ cho người khác. Chúng ta hãy sống với nhau để trao đi yêu thương và nhận lại yêu thương, rồi lan tỏa yêu thương đến mọi người nhé

– Thí sinh không nhận được sự hỗ trợ từ các giác quan khác, đặc biệt là thị giác. Trong bài thi, thí sinh chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào thính giác, nhưng trên thực tế, người giao tiếp còn có thể dựa vào cử chỉ, thái độ, v.v để hiểu được thông điệp mà đối phương truyền đạt.
Ngược lại, trong giao tiếp thực tế, còn có rất nhiều yếu tố gây cản trở khả năng nghe của người giao tiếp

– Chất giọng (Accent) của từng cá nhân, vùng miền, quốc gia cùng với hệ thống từ ngữ địa phương, tiếng lóng (slang) sẽ gây cản trở rất lớn với những bạn vốn từ lâu đã quen nghe tiếng Anh chuẩn với những từ ngữ sách vở trong bài thi IELTS. Các em hãy thử google cụm từ “Cockney rhyming slang” để biết thêm nhé!

– Các yếu tố phụ như tiếng ồn ngoại cảnh, tâm lý run sợ, bỡ ngỡ, hoặc quá căng thẳng khi lần đầu giao tiếp với native speakers cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng nghe và nói của các em.

Cải thiện khả năng nghe toàn diện thế nào?

Vậy, làm cách nào để cải thiện khả năng nghe thực tế, chứ không chỉ là trong bài thi?

1. Hãy nhớ rằng trong số những người sử dụng tiếng Anh ngoài đời mà em sẽ gặp ngoài đường, ngoài xã hội, phần lớn cũng là non-native speaker. Họ đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau và tiếng Anh cũng không phải tiếng mẹ đẻ của họ. Cách phát âm của họ cũng không hay và rõ ràng như trong file nghe của bài thi. Từ đó, hãy chuẩn bị sẵn tinh thần để nghe những kiểu phát âm đó. Hãy lên YouTube và gõ “Mind your language” để thấy những người đó phát âm như thế nào.

2. Đừng nghĩ rằng cứ là native speaker thì sẽ nói rõ ràng như trong file nghe của bài thi. Giọng Anh – Anh (Brittish accent) cũng có rất nhiều vùng miền khác nhau, thậm chí ngay cả ở London. Họ sẽ nói rất nhanh và nối từ, nuốt âm rất nhiều. Để làm quen với điều này, hãy tập nghe các bản tin, nghe kỹ các đoạn video ngắn trên YouTube, các chương trình giải trí, các đoạn phỏng vấn người nổi tiếng trên truyền hình, và hiệu quả nhất là xem phim có phụ đề tiếng Anh để làm quen với các accent khác nhau. Trong quá trình nghe đó, các bạn cũng có thể bắt chước theo (shadowing) với các accent khác nhau thử xem.

3. Gạt bỏ tâm lí sợ hãi cũng là một điều cốt lõi. Để làm được điều này, các bạn có thể bắt đầu từ việc luyện tập nói và nghe tiếng Anh với giáo viên của mình, đặc biệt là giáo viên là người bản xứ. Nếu không nghe rõ native speakers nói gì, hãy cứ lịch sự và thành thật nhờ họ nhắc lại.

4. Cuối cùng, hãy nhớ rằng nhiều người Việt khi nghe và xem các bộ phim, bài hát, video ca nhạc tiếng Việt mà nói quá nhanh và không có phụ đề thì cũng chẳng hiểu gì, và người nước ngoài cũng vậy. Đừng nản lòng mà hãy kiên trì cố gắng trong thời gian dài. Kết quả đến chậm những sẽ rất chắc chắn.

Nếu các bạn còn biết thêm các mẹo nào khác thì hãy comment chia sẻ với mọi người nhé.

Nguồn: Mr James (8.0 IELTS) từ  IELTS Fighter – Hỗ trợ học tập

Xem thêm: Cách luyện IELTS Listening cho người mới bắt đầu

Facebook Comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here